Sự tác động của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng phát triển của nhiều lĩnh vực trong đó có nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên gần đây phân khúc này đang được đầu tư nhiều hơn với rất nhiều dự án lớn nhỏ trên khắp toàn cầu. Vậy cơ hội nào cho nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam?
1. Cơ hội cho nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam
Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe là mô hình du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Cơ hội cho hình thức đầu tư này tại Việt Nam đến từ điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan.
1.1 Điều kiện khách quan:
Trước tiên phải kể đến là ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi người nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe và nhu cầu sống hưởng thụ tăng cao. Chính vì vậy, thay vì đi du lịch khám phá thiên nhiên đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch kết hợp nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Loại hình du lịch này đã rất phổ biến tại các nước Châu Âu nhiều năm trở lại đây. Ở Châu Á, Thái Lan là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe với hệ thống yoga, trị liệu, spa, tắm khoáng nóng, dược liệu,…tiếp theo đó phải kể đến là Bali hay Indonesia.
Thứ hai, nhiều xu hướng du lịch mới lạ phát triển, đặc biệt sự kiện doanh nghiệp với các hoạt động hội nghị, hội thảo, triển lãm, vinh danh, building kết hợp với du lịch (MICE) là loại hình mới thu hút được rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp khách sạn. Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục mảng này với nhiều chuỗi khách sạn, khu du lịch có vị trí đẹp với quy mô lên đến hàng nghìn phòng và đầy đủ dịch vụ tiện nghi giúp du khách thư giãn có lợi cho sức khỏe như đạp xe, tắm suối khoáng,… Nhu cầu cho loại hình MICE đang tăng trưởng nhanh đến từ cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo dự báo của Du lịch Thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1,4 tỷ USD.
Thứ ba, sau khi Việt Nam quyết định mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh – đây là nhóm đối tượng có nhu cầu và sở thích đặc biệt. Nhiều du khách nước ngoài họ đã về hưu và họ đang tìm kiếm địa điểm để đi nghỉ với hệ thống chăm sóc sức khoẻ phù hợp. Họ sẽ muốn đến các địa điểm với mục đích nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, những dịch vụ về y tế hay chăm sóc sức khỏe cũng được đặc biệt chú ý và quan tâm.
1.2 Nhân tố chủ quan
Thứ nhất, Việt Nam luôn được đánh giá là một quốc gia tiềm năng với những lợi thế lớn được mẹ thiên nhiên ban tặng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc có sức hấp dẫn bởi đường bờ biển kéo dài, thời tiết dễ chịu, ẩm thực phong phú, dịch vụ giải trí và thư giãn đầy đủ, tự tin tái tạo năng lượng cho du khách. Một điểm sáng đã và đang phát triển phải kể đến là du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe ở vùng núi. Thay vì nghỉ dưỡng trong những tiện nghi hiện đại, nghỉ dưỡng ở vùng núi vẫn sẽ giữ được vẻ đẹp thiên nhiên vốn có, trở về với núi rừng để tâm thanh tịnh, sức khỏe tinh thần tăng cao. Không có liều thuốc nào tốt hơn cho tâm trí bằng việc chữa lành từ bên trong bằng cách đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên. Rất nhiều hoạt động thú vị như yoga, thiền hay đạp xe, với nét đẹp của nhiều dân tộc anh em, không khí thoáng đãng, ẩm thực độc đáo và nhiều bài thuốc dân gian hữu ích-đây chắc chắn là lựa chọn hấp dẫn cho khách du lịch nội địa và ngoại quốc.
Thứ hai, một vài yếu tố mang đến cơ hội cho sự phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam như quyết định mở cửa đón khách du lịch, quá trình đô thị hoá, nhu cầu và phong cách sống của người dân ngày một thay đổi. Xét về khía cạnh khác, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam tăng. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng về nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi trong quá trình nghỉ dưỡng. Yêu cầu của họ khá đa dạng, từ những cơ sở vật chất chuyên biệt phù hợp với thay đổi về sức khỏe đến những dịch vụ chăm sóc 24/7 cho những người có vấn đề về tinh thần hay thể chất.
Cuối cùng, rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã đánh giá được tình hình và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng được khai thác và chính thức đi vào hoạt động.
2. Hạn chế về ngành du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam
Đây là một hình thức phát triển mới nên sẽ tồn đọng nhiều hạn chế mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần giải quyết.
Để có thể phát triển lâu dài, thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam cần chú ý đến tính bền vững. Cụ thể khi quyết định khai thác những khu nghỉ dưỡng ở vùng núi thì các chủ đầu tư cần quan tâm nhiều đến vấn đề về môi trường, giữ lại được những nét đẹp của thiên nhiên trong khâu thiết kế và tạo nên những điểm nhấn khác biệt có lợi cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tại một số địa điểm, chúng tôi nhận thấy nhiều dự án thi công đã không còn giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có, khiến du khách không còn cơ hội trải nghiệm. Đây sẽ là một bài toán khó nếu chủ đầu tư giải quyết được chắc chắn sẽ thành công.
Thị trường đầu tư nói chung tại Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thanh khoản, mất cân đối cung cầu cùng nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Thời gian kéo dài khiến nhiều dự án trì trệ về mặt thi công. Mong rằng trong tương lai, các chủ đầu tư sẽ có những chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về mặt pháp lí và nhà nước sẽ đưa ra những chính sách phù hợp giúp tháo gỡ khó khăn.
Các nhà phát triển dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam có thể tham khảo thêm nhiều mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe nước ngoài đã triển khai và xây dựng để thu hút hơn nữa khách du lịch nội địa và ngoại quốc.