Trong xã hội phát triển như hiện nay, sự xuất hiện của rất nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích hay các kênh thương mại điện tử đang dần chiếm ưu thế trong hoạt động mua bán của người dân. Tuy điều này đã tác động đến sự tồn tại, phát triển của chợ truyền thống nhưng dù vậy, chợ truyền thống vẫn được coi là mạng lưới phân phối hàng hóa chủ yếu cho người tiêu dùng.
1. Ý nghĩa của chợ truyền thống
Chợ truyền thống không chỉ có ý nghĩa với người dân, với các tiểu thương mà còn được coi là bộ mặt của mỗi địa phương, là điểm đến của các du khách khi đặt chân đến vùng đất mới.
1.1. Đối với người dân
Chợ truyền thống là nơi tập kết đầy đủ các mặt hàng: nông – lâm – thủy sản, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, đây còn là nơi cung ứng các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, điện dân dụng, phân bón,…phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, chợ cũng được coi là một xã hội thu nhỏ, là nơi lưu thông hàng hóa và trao đổi những thông tin liên quan đến giá cả.
Chợ truyền thống là nơi tập kết đầy đủ các loại hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.
1.2. Đối với địa phương
Với các địa phương, chợ được coi là bộ mặt về kinh tế – xã hội của địa phương đó. Chợ truyền thống phản ánh được tốc độ phát triển kinh tế, xã hội cũng như những bản sắc văn hóa vùng miền.
Khi nhìn vào những khu chợ tại địa phương, chúng ta có thể đánh giá được chất lượng đời sống của người dân trong khu vực cũng như thói quen tiêu dùng của người dân địa phương. Nét thu hút của chợ truyền thống cũng là điểm mà các du khách thích thú khi đến địa phương.
1.3. Đối với tiểu thương
Chợ truyền thống còn là nơi thu hút đông đảo lao động của mỗi địa phương. Đây chính là nơi đem lại việc làm cho rất nhiều lao động thất nghiệp.
Chợ truyền thống còn là nơi giải quyết được vấn đề việc làm của người lao động
2. Tiềm năng phát triển của chợ truyền thống
Theo báo Tuổi Trẻ, số liệu của Nielsen năm 2020 cho biết Việt Nam có khoảng 9000 chợ truyền thống và khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, chiếm thị phần 75%. Số liệu này cho thấy chợ vẫn là một kênh bán hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Trong vài năm gần đây, nhiều tỉnh thành phố ở nước ta đã có nhiều chính sách để xây dựng, cải tạo các khu chợ. Bộ Công Thương cũng có đề án phát triển chợ với tầm nhìn đến 2030.
Vẫn nhiều người lựa chọn mua hàng tại chợ truyền thống vì tiện, gần nhà và có thể mặc cả.
Vậy chợ truyền thống có tiếp tục tồn tại không? Như đã đề cập ở trên, mặc dù các khu chợ đang đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn với các kênh bán lẻ; nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân nước ta thiên về mua sắm tại chợ truyền thống. Một trong những lý do chợ được lựa chọn vì tiện, gần nhà và có thể mặc cả, thuận mua vừa bán. Bởi vậy, chợ truyền thống vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Có lẽ đây cũng là lúc các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp quản lý chợ nhìn nhận và đưa ra các định hướng phát triển phù hợp hơn cho các khu chợ truyền thống trong tương lai.
3. Đổi mới để hội nhập
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã thành công trong việc đổi mới Chợ truyền thống để đáp ứng được nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội. Ở những đất nước phát triển Chợ truyền thống được xây dựng theo phong cách mới, bên ngoài là hàng trăm căn shophouse, bên trong hàng trăm ki-ốt cho bà con tiểu thương bày bán nông sản, đặc sản vùng miền, tổ chức hội chợ, vừa hiện đại vừa mang đậm chất truyền thống, không những vậy còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy… Nổi bật nhất có thể kể đến những khu chợ truyền thống tại Hàn Quốc được quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp với đa dạng sản phẩm hấp dẫn, thu hút người dân cũng như du khách tham quan mua sắm.
Trên thực tế, chợ truyền thống ở nước ta hoàn toàn có thể thay đổi để tồn tại, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Một khu chợ truyền thống ở Hàn Quốc với không gian thoáng đãng, bắt mắt.
Để đáp ứng được nhu cầu của người dân trong thời đại mới, các khu chợ truyền thống cũng cần tạo cho mình cơ chế riêng về thị trường cạnh tranh, giá cả cũng như chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chợ truyền thống cũng cần phát huy được những thế mạnh của mình với các mặt hàng tươi sống, đảm bảo vệ sinh môi trường cùng các yếu tố khác.
Ngoài ra, chợ cũng cần được tổ chức, nâng cấp để tạo không gian mua sắm thông thoáng, sạch sẽ, niêm yết giá cả rõ ràng để phù hợp với xu hướng hội nhập, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự quản lý và các chính sách của các ban ngành, nhà đầu tư, các chợ truyền thống sẽ có những bước chuyển biến tích cực để góp phần thúc đẩy phát triển thương mại nội địa cũng như hệ thống phân phối của các địa phương.